Thursday, May 17, 2018

Trung Học Công Lập Bạc Liêu

Đăng bài viết theo yêu cầu của quý vị về tìm lại những người bạn học niên khóa từ năm 1971/1974 và vài hình ảnh Trung Học Công Lập Bạc Liêu, trường Bạc Liêu tuy chỉ gồm những dãy phòng cấp 4 đơn sơ nhưng là trường trung học duy nhất của tỉnh có mở đến lớp 12 và nổi tiếng vì học sinh thi đậu các kỳ thi tú tài đạt tỉ lệ cao. Trường tổ chức thi tuyển vào lớp 6 và lớp 10 rất nghiêm ngặt, chỉ khoảng 60% học sinh khá giỏi mới vào được.





________________________________________
Trường Trung Học Công Lập Bạc liêu – 60 năm trong tôi

Lời mở đầu :
Chúng tôi mạo muội ghi lại những hiểu biết hạn chế về ngôi trường Trung Học Công Lập Bạc liêu, để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Vì là những học sinh của lớp đầu tiên ( niên khóa 1956 -1962 ) nên những ghi nhận chỉ hạn chế ở những niên học này, mong đón nhận được sự cảm thông của tất cả các anh chị em cựu học sinh của trường.
Sáu mươi năm, hơn hai phần ba của một đời người và với tuổi đời “ thất thập cổ lai hy “, trí nhớ không còn minh mẫn, có thể có những ghi nhận không được chính xác, xin các bạn hữu sửa sai và bổ túc, thành thật đa tạ ,sau cùng, cám ơn những chi tiết và ‎ ý kiến của nhà tôi – Trần Thị Hùng – một đồng môn trong suốt những năm Trung Học và 2 người bạn chí thân : chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết cùng anh Nguyễn Bá Phụng.
Nhắc đến Bạc liêu, người ta thường nghĩ ngay đến “ công tử Bạc liêu “, một công tử giàu có, ăn chơi khét tiếng Nam kỳ lục tỉnh, ruộng “ cò bay thẳng cánh “
Ngoài “ Hắc công tử “, Bạc liêu còn có nhiều bá hộ giàu có, nhưng những bá hộ nầy chỉ lo làm giàu, để hưởng lợi riêng tư, vì vậy những lợi ích công cộng tại Bạc liêu không có gì đáng kể.
Riêng ngành giáo dục, nếu so sánh với các tỉnh lân cận, Bạc liêu vẫn đứng sau về cơ sở trường ốc cũng như những đầu tư vào ngành giáo dục, tuy nhiên, trường Trung Học Công Lập Bạc liêu đã được thành lập chỉ sau trường Phan Thanh Giản Cần Thơ ( trước cả trường Hoàng Diệu Sóc Trăng và trường trung học công lập Cà Mau )
Trường Trung Học Công Lập Bạc liêu
Trường được thành lập năm 1956. Tháng 7 năm 1956, khóa thi tuyển đầu tiên để chọn học sinh vào 3 lớp Đệ Thất; vào ngày học đầu tiên, tháng 9/1956, trường không có trường ốc riêng, phải mượn 3 lớp học của trường Nam Nữ tỉnh lỵ để cho 3 lớp Đệ Thất : A ( nam ), B ( nữ ), C ( nam + nữ ).
Tất cả giáo sư dạy tại trường trong niên khóa nầy đều là những giáo viên tiểu học được điều lên để dạy Trung Học: thầy Bão, thầy Trung, Thầy Quí, thầy Hão, cô Huê, thầy Táo ….
Đồng phục học sinh : nam áo sơ mi trắng, quần ngắn đen ; nữ quần dài đen, áo bà ba ( không bắt buộc phải màu gì và có thể vải bông cũng được ) Trong niên học nầy, các lớp đều học 2 buổi sáng và chiều.
Đến niên học kế tiếp ( 1957-1958 ), một kỳ thi tuyển để chọn học sinh đệ thất và học sinh năm trước được lên lớp đệ lục. Năm này, học sinh các lớp được sắp xếp lại, hoc sinh thất A có thể được sắp vào lục B hay C và ngược lại. Vì có sự sắp xếp đó mà sau nầy tất cả những ai học cùng cấp lớp của những năm đầu tiên đều quen biết nhau. Về đồng phục cũng vẫn giử nguyên như năm trước.
Trong niên học này, có vài giáo sư từ Saigon đến ; đó là những giáo sư khế ước, có bằng Tú Tài I hoặc Tú Tài 2 tình nguyện đi dạy, không qua khóa sư phạm nào : thầy Hồng, thầy Thâu, thầy Kha, thầy Bích, cô Lệ…,đến năm thứ ba ( niên học 1958-1959 ), cũng vẫn có kỳ thi tuyển học sinh vào đệ thất và cấp lớp này vẫn học ở trường Nam tỉnh ly, 2 cấp lớp đệ lục và đệ ngũ được dời về trường mới. Trường tọa lạc tại một góc của dinh tỉnh trưởng, đối diện sân quần vợt, xéo góc với hồ tắm công cộng cũng như sân vận động của tỉnh lỵ.
Trường chỉ có 2 dảy lớp song song, cách nhau một ao nước lớn, ( khi trời mưa to, ao ngập nước, thầy trò phải lội nước từ dãy này sang dãy kia, lục bình cò dại nổi đầy mặt ao ). Đó là một kỷ niệm, một hình ảnh khó quên của những năm trung học.
Trong niên học nầy, đồng phục của học sinh thay đổi : nam trọn bộ bà ba trắng ( không có một trường nào ở VN mà nam sinh mặc bà ba trắng ), nữ sinh áo bà ba trắng quần dài đen.
Một số giáo sư về dạy tại trường, đa số tốt nghiệp Giáo Học Bổ Túc hoặc Cao Đẳng Sư Phạm : thầy Liêm, thầy Ngọc, thầy Rớt, thầy Sơn, thầy Hải…,với bộ đồng phục mới, khi tan học, những bộ bà ba trắng chen lẩn đồng phục nữ quần đen áo trắng, từng đoàn, từng đoàn học sinh túa ra từ sân trường, chúng ta có thể hình dung như từng đàn cò trắng hồn nhiên, ngây thơ tung tăng với những hoài bảo, những mơ ước về tương lai. Nhớ lại những ngày vô tư đó, với tuổi đời 14, 15 nhưng vẫn hồn nhiên, không vướn bận, không lo lắng về miếng ăn, cái mặc; sao cuộc sống thời ấy quá an lành và thanh bình với những buổi đi chơi về đêm, về đồng ruộng Cái Dầy, về Cầu Sập, về biễn nhãn và về Sốc Đồn, Vĩnh Châu, Phú Lộc ..v.v. và v.v.
Những kỷ niệm thời ấu thơ đó, tìm đâu ra cho những đàn em, không may mắn, trong thập niên 1960 – 1970 với tình hình mất an ninh và chiến tranh triền miên.
Vào niên học kế tiếp ( 1959-1960 ), không có gì thay đổi, vẫn kỳ thi tuyển cho học sinh đệ thất, lớp đệ ngũ được lên đệ tứ. Cuối niên học nầy, tất cả học sinh lớp đệ tứ phải đi thi Trung Học Đệ I Cấp ở Sóc Trăng, đến niên học 1960-1961, trường có thêm một dãy lớp mới, được phép mở lớp đệ tam ( trung học đệ II cấp ), trường nhận các học sinh đậu Trung Học Đệ I cấp, học sinh lớp đệ tứ đủ diểm trung bình các kỳ thi lục cá nguyệt của trường và các học sinh có bằng Trung Học Đệ I cấp của các trường tư thục. Các học sinh không đủ điểm trung bình các kỳ thi lục cá nguyệt của trường thì phải ở lại lớp đệ tứ. Vì vậy, trường có thêm nhiều anh chị vào học từ những trường tư thục trong tỉnh và một vài anh chị từ Cà Mau ( Cà Mau và Sóc Trăng chưa có lớp đệ tam ) Đa số các anh chị nầy đều lớn tuổi ( thi đậu Trung Học đệ I cấp những năm trước đó, không đủ điều kiện để đi học xa ) Khi vào học, có khi thầy trò lớn hơn nhau một vài tuổi mà thôi. Để rồi có những mối tình thầy trò và đôi khi có kết cục là thầy trò đã đi đến hôn nhân cho tới ngày hôm nay. Cũng như một vài anh chị lớn tuổi đã đến với nhau để rồi cuối niên học có được một vài “ cô cậu học trò con “
Mặc dù được phép mở Trung Học Đệ II cấp, nhưng không có giáo sư mới (Đại Học Sư Phạm), nên trường phải sử dụng những giáo sư cơ hữu của trường, thầy Tòng, thầy Hồng, thầy Sơn, thầy Thâu, thầy Trung… một trở ngại lớn cho những học sinh tỉnh lẽ là môn học ngoại ngữ ( Anh văn, Pháp văn ), vì không có giáo sư chuyên mộn, nên sức học của các học sinh tỉnh không so kịp với những học sinh Phan Thanh Giản ( Cần thơ ). Vì là trường lớn, vã lại có điều kiện đi học hội Việt Mỹ, hội Pháp Việt nên học sinh các trường lớn rất giỏi ngoai ngữ. Một kỷ niệm khó quên, năm học đệ nhất trường Phan Thanh Giản, đến giờ Anh văn và Pháp văn, bọn tôi 5 đứa ngũ quỉ Bạc liêu đều lo lót cho trưởng lớp mỗi đứa 2 điếu Ruby để trưởng lớp làm lơ cho chúng tôi nhảy rào đi “ thọt bi da “ vì ở lại lớp không nói được tiếng Anh, tiếng Pháp nên quá quê với những cô bạn học trong lớp – Đò là kỷ niệm khó quên của đời học sinh, nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò.
Niên học kế tiếp ( 1961-1962 ), cũng không có gì thay đổi, cũng vẫn với đội ngũ giáo sư cơ hữu, chúng tôi vẫn ráo riết vừa học vừa luyện thi để chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài I.
Cuối niên học, lại một lần nữa, phải chuẩn bị đi thi, lần này phải thi ở Cần Thơ. Kỳ thi Tú Tài I này có 2 phần : thi viết và thi vấn đáp. Thí sinh phải vượt qua 2 phần thi nầy thì mới lấy được bằng Tú Tái I. Tổng số học sinh của trường đi dự thi trong niên học nầy là gần 100, nhưng sau 2 kỳ thi, chỉ đậu được tổng cộng 10 người, do may mắn, tôi được đậu trong danh sách này.
Niên học 1962-1963, vì trường không có lớp đệ nhứt, nên tất cả những học sinh đậu Tú Tài I phải đi học tại trường Phan thanh Giản ( Cần Thơ ), có một vài anh chị thì học tại Saigon. Riêng những anh chị em thi rớt Tú Tài I thì phải ở lại lớp đệ nhị ( trong thời gian nầy, học sinh đệ nhứt phải có bằng Tú Tài I ) hoặc phải nhập ngũ. Cũng không ngoại lệ, tôi phải đi học tại trường Phan Thanh Giản trong niên học này, được biết, một năm sau ( niên khóa 1963-1964 ) trường trung học Bạc lieu cũng vẫn chưa có lớp đệ nhứt, nhưng trường Hoàng Diệu ( Soc Trăng ) được Bộ Giáo Dục cho phép, do đó các học sinh từ năm 1964 phải đi học đệ nhứt ở Sóc Trăng , mãi đến năm 1966, Bạc liệu mới có lớp đệ nhứt và học sinh không phải đi học xa nữa.
Sau những niên học đầu tiên thiếu giáo sư chuyên nghiệp, những năm sau này được biết có rất nhiều giáo sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm đã đến giảng dạy và kết quả những kỳ thi tốt nghiệp đã khá hơn, vả lại những kỳ thi không còn quá khó như những năm của thập niên 1950-1960 ( bỏ kỳ thi Tú Tài I, bỏ thi hạch miệng, thi bằng câu hỏi lựa chọn abc …)
Trường Trung Học Công lập Bạc lieu càng lúc càng có đông đảo học sinh theo học, do đò trường có xây thêm các dãy lớp mới để có thể đủ chổ cho tất cả các cấp lớp từ lớp 6 đến lớp 12 ( theo hệ giáo dục mới ), điều đặc biệt là tất cả các dãy lớp đều là một tầng trệt với mái tôn hoậc ngói ciment nên vào mùa cận hè thì rất nóng nực.
Rồi đến biến cố 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền mới xóa bỏ trường trung học công lập Bạc lieu và đổi tên thành trường trung học phổ thông Võ thị Sáu. Mãi đến năm 1989, trường trung học hoa ngữ Trí Tri lại được đổi thành trường trung học công lập Bac lieu. Do đó hiện nay, nếu là cư dân mạng, khi search trường trung học công lập Bạc lieu thì tất cả đều được hường dẩn về trường sau này ( trường Trí Tri ), không một webside nào chỉ đến trường trung học Bạc lieu cũ.
Sau 60 năm, nhìn lại chặng đường qua, với những thành công hay thất bại, với những hỉ nộ ái ố, những thăng trầm trong cuộc sống; nhưng tình bạn của những tình thân trong thời tuổi trẻ vẫn còn đầy ấp; bất chợt gặp lại nhau với mái tóc điễm sương, da nhăn nheo, trí nhớ kém cõi, nhắc lại những bạn bè xưa, kẻ mất người còn, kẻ khỏe mạnh người nhiều bệnh tật nhưng những kỷ niệm của thời thơ ấu ấy sau mà đẹp vô ngần.
Bài viết nầy như những kỷ niệm để nhớ về các anh chi cùng học tại ngôi trường ở một tỉnh lẻ với mỹ danh “công tử” nhưng cơ sở trường ốc lại là yếu kém nhất so với những trường bạn ở Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Những anh chi mà chúng tôi còn liên lạc được hoặc biết tin qua các bạn bè, xin được mạn phép nêu ra đây, có thể là dây kết nối sau 60 năm – 2/3 cuộc đời.
Những bạn bẻ ở Mỹ học từ năm 1956 : Giang văn Xẻn, Phùng văn Đặng, Quách Thành Quân, Lê thị Tuyết, Huỳnh Ngọc Hoa, Nguyễn thị Bạch Tuyết, Trịnh thị Cung, Trần Đình Châu, Huỳnh Ngọc Ẩn, Trần Thị Hùng, Trần Đắc Thọ, Nguyễn Phú Hiệp, Nguyễn Bá Kiệt, Hứa văn Tẻn, Phan thị Kim Tuyến, Tiêu Khải Đằng, Trần Trọng Khải, Tăng Tuyết Nga, Ngô Văn Họt….
Còn ở VN : Lê Minh Tân, Đỗ Lâm Bá, Ngô Thế Đàn, Trần Kim Anh, Trần Kim Em, Ong thi Thu, Châu Thị Bạch Tuyết, Ngô Kim Huê, Huỳnh Lâm Vinh, L‎y Tố Quyên, Cao Triều Bữu, Tiêu Vĩnh Thại, Vưu Trung An, Vưu Sái Ten, Phan thị Cẩm Hứng, Trần Ngọc Thúy, Nguyễn Bá Phụng, Tào Khánh Phuông, La Lưỡng Lượng, Huỳnh Bữu Sơn, Lâm Thị Minh Châu, Tạ Tuyết Huệ, Châu Thị Cho, Tiêu Thị Huệ, Đỗ Văn Sến, Đỗ Văn Tường, Trương Minh Hiệp, Lỳ Tấn Kiệt, Hồ Minh Nhựt…
Ổ Âu Châu : Triệu Thị Mai, Trần Thị Thiên Hương, Nguyễn Văn Thảo, Trương Thị Ngọc Yến….
Ở Canada : Trần Xiêm, Huỳnh Kiến Quốc …
Ở Úc Châu : Lai Thị Hoa, Trần Hà Phổ, Hồng Tấn Sơn….
Một lần nữa, xin các bằng hữu đồng môn đón nhận nơi đây sự trân quý những tình bạn thâm giao trong suốt những năm dài hơn ½ thế kỷ qua.
Bài viết nầy cố ghi lại những ký ức của thời tuổi trẻ mãi mãi ngự trị trong tôi.
Xin hết.
Xem trọn bộ ảnh xưa về Trường : https://www.flickr.com/…/albums/7215760265…/with/1718331779/
http://www.hoiaihuubaclieubaccali.com/index.php…






 



















 




No comments:

Post a Comment